Tác giả: Kiều Vân Nguyễn
Mình là một người sống thiên về cảm xúc, không chối bỏ bất cứ quá khứ nào của bản thân dù kỷ niệm đó là buồn hay vui. Chính vì cái sự đa cảm đó mà đôi khi gây cho mình không ít phiền toái. Hôm nay, Trung Thu lại nhớ về ngày nhỏ ở quê. Cái xóm mình ở là cái xóm dân góp mới được thành lập nên không biết từ bao giờ người ta cứ gọi nó là xóm Làng Lòi. Ở cái Làng Lòi đó mình đã lớn lên với biết bao kỷ niệm. Có lẽ cái xóm mình ở là cái xóm đi tiên phong trong việc tổ chức Trung Thu cho tụi trẻ con, đồng nghĩa với việc tụi trẻ con chúng mình được người lớn quan tâm về mặt tinh thần, thật hạnh phúc.
Còn nhớ, gần đến Trung Thu bác xóm trưởng, hồi đó là bác Tấn cầm sổ đi từng nhà xin đóng góp để chuẩn bị mua quà, làm tiệc cho lũ trẻ con. Nói là tiệc cho trẻ con chứ thực chất là ăn cả xóm, hôm đó xác định là không nhà nào phải nấu cơm. Chiều đến, các bố thì tranh thủ căng phông bạt, làm sân khấu, chuẩn bị loa đài các thứ, các mẹ thì nấu nướng chỉ riêng lũ trẻ con là sướng nhất, tụ tập cả đám hết hát hò ca múa rồi thì rủ nhau chơi trò chơi, rồi thì tranh dành đánh nhau khóc chí chóe.
Ôi, cái thời ăn chưa no lo chưa tới sao nó sướng thế không biết. Tầm 6h chiều là đứa nào về nhà đứa nấy, lo tắm giặt mặc đồ đẹp rồi xách lồng đèn tập trung tại nhà bác xóm trưởng. 7h nhập tiệc, ăn uống xong xuôi là đến phần rước đèn từ Làng Lòi lên ngã Tư xong rước về. Ngày xưa, lồng đèn của lũ trẻ con tất thảy đều là đèn ông sao, lớn chút mà khéo tay thì tự làm hoặc nhờ người lớn làm cho còn không thì ba mẹ mua. Cả cái quãng đường đi về tầm 2km, vừa đi bộ vừa hát “Rước đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu,…” vậy mà mặt mũi đứa nào cũng hớn hở không hề than thở lấy một câu. Vì ngày đó không có đèn đường nhiều như bây giờ nên trăng rằm trung thu tròn và sáng vô cùng. Rước đèn cũng là cả một quá trình gian nan với lũ trẻ con đấy ạ. Đèn ông sao có cái dở là, cắm nến vào mà bị nghiêng thì xác định cái đèn lủng lỗ nham nhở như chuột gặm hoặc dễ bị rơi nến. Vậy nên, nhiều khi đang vui bỗng nghe ý ới gọi cho xin tí lửa vì nến bị gió thổi tắt, rồi thì có đứa hăm hở quá đi nhanh cây nến rớt mất tiêu xách cái đèn tối thui mà cũng kệ.
Cái không khí rộn ràng, tiếng hát vang, trống đánh tưng bừng, trăng sáng trong, đứa nào đứa nấy nhễ nhãi mồ hôi nhưng nụ cười trên môi vẫn luôn thường trực. Ôi, cái cảm giác đó trẻ con bây giờ làm sao có được.
Rước đèn về đến sân khấu, mâm cỗ đã sẵn sàng, tập trung lại & phá cỗ thôi. À, buổi lễ còn một phần trang trọng nữa đó là bạn nào có thành tích trong học tập thì được nhận quà nha. Ngày đó, học sinh giỏi hiếm như lá rụng mùa thu, học sinh khá thì đếm trên đầu ngón tay, đâu như giờ lớp 35 em thì 32 em học sinh giỏi còn 3 em học sinh khá. Chắc có lẽ thế hệ ngày xưa học dốt hơn cũng nên.
Kết thúc buổi tiệc quần áo xộc xệch, lồng đèn thì tả tơi, về nhà đứa nào đứa nấy hôi như con cú, lại bị mẹ lôi đầu bắt đi trụng mới cho đi ngủ. Trong giấc ngủ sâu sẽ có đứa miệng vẫn cười vì những gì đã được trải nghiệm.
Quả thực là ngồi viết những dòng này mà hỉnh ảnh những ký ức đó như đang chạy trong đầu như một thước phim sống động. Bao nhiêu ký ức miền tuổi thơ lại ùa về. Trung thu tuổi thơ tôi!
| Sài Gòn, 30 . 09 . 2020 |
Facebook Comments