Mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ tái hiện không khí chiến đấu của cuộc kháng chiến chống Mĩ nhiều gian khổ mà còn xây dựng thành công hình ảnh những người chiến sĩ, những cô thanh niên xung phong trẻ trung, dũng cảm, cùng với đó là câu chuyện tình đầy lãng mạn giữa Lãng và Nguyệt.
Mời các bạn cùng lắng nghe truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng qua giọng đọc của Hà Thái.
Ngọn bấc cháy đã gần lụi chợt bùng lên nổ lép bép trong chiếc ống bơ sữa bò đựng dầu cặn. Ngoài rừng sâu tĩnh mịch vọng lại tiếng suối chảy và tiếng kêu khắc khoải, tha thiết của đôi chim trống mái. Đã khuya rồi mà hơn mười anh em lái xe vẫn còn kẻ nằm người ngồi ngổn ngang trong chiếc lán nứa xiêu vẹo của tổ xăng dầu, chưa ai chịu đi ngủ. Sau tấm bìa che bớt ánh sáng, ngọn đèn dầu cặn toả một cụm khói lớn, soi tỏ hơn chục khuôn mặt dầu dãi và chiếu hắt ra ngoài đoạn đường mấp mô những hố bom và vết bánh xe tải sâu ngập gối. Đêm nay mưa dầm, trung đội lái xe được dịp trở về gần đông đủ. Cái lán nứa rất ồn ào, thỉnh thoảng một dịp cười vang lên chuyển cả rừng. Không biết ở trên đời còn có cảnh gì vui và náo nhiệt hơn những đêm như đêm nay, những chiến sĩ lái xe sau nhiều chuyến rong ruổi trên các ngả đường nay trở về gặp mặt nhau. Sau hàng chục đêm thức chong bên tay lái, tưởng như họ cứ nằm xuống là con mắt sẽ díp lại, vậy mà chẳng ai buồn ngủ cả.
– Xong chưa nào, đến lượt tớ kể nhé?
Người này chưa nói hết, người khác đã dặn trước như thế bằng giọng hết sức háo hức. Hình như trong đầu từng người đang xôn xao vô vàn hình ảnh trên dọc đường, và chính lúc này, những hình ảnh ấy đang chen lấn nhau đòi sống lại.
– Xong chưa nào, đến lượt tôi kể nhé!
Một anh nằm trong góc tối nói.
Một đêm, đầu tháng ba năm nay, chuyến xe chở hàng của tôi xuất phát từ kho K3. Lần ấy đồng chí lái phụ của tôi đánh xe đi nhận hàng thay tôi, vì tôi đang bận dự cuộc họp các lái xe lâu năm ở tiểu đoàn bộ. Ở tiểu đoàn ra, tôi sẽ đón xe của mình dọc đường và đi hàng luôn. Hãy nói về cậu lái phụ của tôi một chút. Đấy là một đồng chí tân binh vui, trẻ, làm việc xốc vác nhưng tính tình hơi lẳng lơ một tý. Câu chuyện tôi kể đây cảy ra hồi tôi chạy mấy chuyến đột xuất bên đường miền Tây. Con đường miền Tây dạo ấy đang mùa mưa lũ, nhưng địch cũng đánh rát lắm; những quãng qua khe qua ngầm nhất là quãng cầu Đá Xanh, anh chị em giao thông đang vật nhau với địch để quyết giữ con đường lên biên giới. Hôm đó trời vừa tối, mưa lác đác, tôi ở tiểu đoàn bộ ra đường đứng đợi xe bên đầu dốc bản Vang cháy. Một mảnh ni lông gói chiếc võng dù cắp bên nách, chiếc đèn pin khoác lủng lẳng trước ngực, tôi đứng hút thuốc lá phì phèo với các vẻ ung dung, thư thái. Phải nói, làm anh lính lái xe suốt mùa khô sang mùa mưa, con người như đã gắn vào buồng lái được một phút nhàn rỗi như thế thật hiếm và quý hoá. Tôi cứ tréo chân tựa bên gốc cây bên đường, thở khói thuốc vòng tròn và ngắm vầng trăng khuyết mỏng manh bằng con mắt mơ mộng. Nhưng rồi chẳng được lâu. Tôi bắt đầu sốt ruột thấy xe cộ cứ lao qua vun vút trước mặt như ngựa đua, thế mà chẳng thấy đồng chí lái phụ đánh xe lên. Trời tối càng lâu, nỗi sốt ruột của tôi càng tăng. Tôi hết sức lắng tai vẫn chẳng nghe tiếng “Hát” quen thuộc. Tôi bực quá đỗi! Giữa thời chiến, xe mình chỉ cần vượt lên thiên hạ nửa vành bánh, khi qua phà qua ngầm đã đủ nhàn. Hơn nữa, chuyến này, tôi đã dự định sẽ chạy sớm, giao hàng sớm để kịp quay về giấu xe ở rừng xăng lẻ. Giấu xe ở đó thật chắc chắn, lại gần nơi người chị ruột của tôi công tác. Tôi đã xin phép cấp trên, trong chuyến đi hàng này sẽ ghé thăm chị tôi. Chị tôi biên thư cứ phàn nàn:
– Đã hơn ba năm chưa được gặp cậu Lãm đấy!
Nhưng dầu sao đó cũng chỉ là một việc riêng. Tôi đang bực và lo xe không lấy được hàng hay gặp trở ngại gì, thì đồng chí lái phụ đánh xe lên, từ dưới chân dốc, đã bóp còi inh ỏi như xe chữa cháy. Mặc tôi gắt, đồng chí lẳng lặng trao phiếu hàng cho tôi, vui vẻ đặt vào trong cốp gói xôi lạc và một bi đông nước đường. “Chúc anh đi may mắn nhé!” anh chàng vui tính nháy mắt ranh mãnh, rồi phát mạnh vào vai tôi một cái đau điếng. Xong, anh chàng co chân nhảy xuống đường. Chuyến này, theo phân công của trung đội, chỉ mình tôi đi. Tôi vẫn thường nhận một mình một đầu xe. Đồng chí lái phụ làm việc ở nhà. Từ biệt tôi xong, đồng chí phụ lái vừa đi qua mấy bước đã quay lại nắm tay nện vào cánh cửa xe sầm sầm:
– Anh Lãm này, theo phiếu giao hàng, tôi kiểm lại thấy thiếu một chiếc lốp. Tôi đã bắt anh kho ký nhận vào trong phía rồi đấy nhé!
– Được. – Tôi trả lời và rất bằng lòng về công việc ấy.
– Còn một cái nữa, cái này có nhưng mà không ghi trong phiếu…
– Còn gì nữa?
– Phía sau, có một người ngồi nhờ lên cầu Đá Xanh đấy.
Tôi ngạc nhiên hết sức, hỏi vặn:
– Sao cậu tự động vô nguyên tắc thế hử?
– Nguyên do thế này, anh ạ… Thế này…
Mặc dù những lý do cho đi nhờ xe đồng chí lái phụ trình bày đều hợp lý, tôi vẫn giận đồng chí ấy. Tôi đoán ngay con người đang ngồi sau kia nhất định là một cô gái. Và, trước mặt tôi liền hiện ra cảnh tượng hết sức quen mắt: một bên là cái vẻ nũng nịu của một cô nàng ôm chiếc nón trắng đứng sát cửa xe, một bên là những câu hỏi ỡm ờ của “anh tài phụ” của tôi đang ngồi vắt vẻo trong buồng lái, một nụ cười và một đốm thuốc lá ló ra ngoài. Thế là đủ tai hại cho tôi rồi! Tàn cho được câu chuyện ấy thì xe lên sớm làm sao được? Đồng chí lái xe phụ đã quay về phía sau từ lúc nào. Tôi vẫn còn ngồi phân vân mấy giây. Xe chạy qua bao nhiêu chặng nguy hiểm mà trong xe lại có người đi nhờ? Nhưng chẳng lẽ bây giờ bảo người ta xuống đi bộ? Thôi được! Tôi quyết định đi. Trước lúc mở máy. Tôi quay lại nhìn qua tấm lưới sắt gắn sau lưng, chỉ thấy tối mò mò như hũ nút và mùi cao su mới xông sang. Chẳng hiểu người khách đi nhờ ngồi ở góc nào.
– Ai ngồi trong đó? – Tôi lên tiếng, giọng hỏi chẳng lấy gì làm ôn tồn lắm.
Không có tiếng đáp. Chỉ thấy động lịch kịch giữa các chồng lốp ôtô ở phía sau. Rồi lại nghe tiếng kêu lục cục khẽ như gà con cựa trong ổ. Tôi đoán câu chuyện trao đổi giữa tôi và đồng chí lái phụ, “người khách” đã nghe rõ hết, và bây giờ thấy tôi lên tiếng hỏi, người ấy sợ. Chắc người ấy đang phấp phỏng sợ tôi không cho đi nhờ. Nhưng người đó là ai?
– Có ai ngồi sau đó? – Tôi nhắc lại câu hỏi, lần này giọng đỡ gay gắt hơn.
– Tôi đây.. Tôi nhờ đồng chí lên cầu Đá Xanh một tẹo.
Quả tôi đoán chẳng sai. Rõ ràng tiếng trả lời của một người đàn bà, một cô gái, tiếng nói trong lắm và rất bình tĩnh, cứng cỏi nữa là khác. Mặc, tôi vẫn hỏi gặng:
– Đàn ông, hay đàn bà?
– Đàn ông!
– Thôi đi cô, đáng lý tôi đã mời cô xuống, đây là xe chở hàng quân sự! Cô lên cầu Đá Xanh có việc gì?
– Em là công nhân giao thông. Anh gì ban nãy đã xem chứng minh thư rồi. Em về trên đơn vị có chút việc.
Tôi hỏi bừa một câu cho vui:
– Việc gì? Hay là cô đi thăm chồng hay người yêu.
– Em đi thăm người yêu đấy.
Tôi vội nổ máy và trong bụng cũng phát hoảng lên vì cái cách con gái ăn nói đối đáp bạo dạn nhường ấy. Nhưng nghe giọng nói, chẳng phải giọng một câu nói đùa. Biết đâu đấy, biết đâu cô ta nói thật?
o O o
– Các cậu ơi, hãy chịu khó đợi một chút! – Đồng chí lái xe đang kể chuyện nằm khuất trong bóng tối lên tiếng kêu gọi. Mọi người đang nóng lòng muốn biết lý lịch cô gái đi nhờ xe. Họ cứ làm ồn ào thúc giục đòi kể tiếp. Ngoài rừng vọng tiếng suối chảy tràn trên đá và tiếng đôi chim kêu rụt rè ở hai góc rừng. Người kể chuyện khom lưng qua góc ngoài tấm sạp nứa, đôi mắt nheo tít lại vì khói, thổi tắt ngọn lửa xanh cháy trong lòng chiếc ống sữa bò. Căn lán phút chốc chìm trong bóng tối đầy tiếng động kỳ lạ của đêm rừng. Câu chuyện lại được kể tiếp.
– Các đồng chí đừng sốt ruột vì cô gái. Hãy để cô ta ngồi đấy giữa hàng chồng lốp ôtô…
Bây giờ, tôi kể xen vào một câu chuyện nhỏ, chuyện riêng của tôi. Tôi có một người chị ruột làm cán bộ ở một hạt giao thông quãng cầu Đá Xanh. Cách đây bốn, năm năm, trong chúng ta có đồng chí nào hay chạy con đường miền Tây, chắc còn nhớ cảnh tấp nập, đông vui của công trường xây dựng cầu Đá Xanh. Từ ngày đầu mới mở công trường, chị Tính, chị tôi, đã có mặt. Chị tôi ở tổ đá. Những người con gái làm đá đông lắm, có hàng trăm cô. Trong tổ đá của chị tôi có một cô tên là Nguyệt. Phải, Nguyệt là trăng. Cái tên khá đẹp! Đấy là một cô học sinh mới rời ghế nhà trường đi kiến thiết miền Tây. Chị tôi coi Nguyệt như một cô em gái, rất yêu mến Nguyệt, bởi lẽ cô ta rất ngoan ngoãn và tích cực. Bức thư nào gửi về cho tôi, chị Tính cũng nhắc đến tên người con gái ấy, kể lể đủ các đức tính tốt đẹp. Rồi trong một bức thư, chị tôi bảo: “Chị đã tính toán, đã nhằm cô Nguyệt trên này cho cậu. Trên đời khó tìm được một người con gái như thế!” Bức thư sau, chị tôi giục tôi lên “xem mặt”, và nói: “Chị cũng đã nói thẳng ý định của chị với cô ấy. Nó chỉ đỏ bừng mặt lên không nói gì. Nhưng khi nào chị nói chuyện về cậu, về cái chuyện cậu trốn nhà đi tuyển bộ đội, cô ta ngồi nghe rất chăm chú. Cậu tranh thủ lên ngay nhé. Nguyệt nó cũng đang muốn gặp cậu. Chỉ cần hai người gặp nhau một lần là xong thôi!” Hồi đó, sau khi đi bộ đội, tôi làm chiến sĩ lái xe phụ thường chạy các tuyến đường ngoài Bắc. Tôi cũng đi vài chuyến miền Tây, có ghé vào công trường thăm chị Tính và cô Nguyệt, nhưng không gặp cả hai người. Trong những bức thư gửi cho chị tôi, tôi thường viết thêm đôi câu hỏi thăm Nguyệt và ngụ ý hứa hẹn gặp Nguyệt. Chắc chắn Nguyệt sẽ được xem tất cả những lá thư của tôi gửi cho chị Tính nên đã hiểu biết về tôi ít nhiêu. Giữa chốn rừng núi heo hút, một bức thư đến đều xem như của chung của mọi người. Bẵng đi mấy năm, chị tôi về Hà Nội học. Rồi xảy ra cuộc kháng chiến chống Mỹ; tôi xuất ngũ rồi tái ngũ. Bao nhiêu đường sá miền Tây và miền Trung, địch bắn phá dữ dội! Tôi chưa kịp lấy vợ nhưng câu chuyện cô Nguyệt và những bức thư của chị Tính tôi đã quên từ lâu. Chị Tính đi học gần hai năm lại quay về tuyến đường miền Tây. Từ nơi rừng núi quen thuộc, chị lại biên thư cho tôi, lần này kể chuyện địch bắn phá cầu Đá Xanh, chuyện các đơn vị giao thông quyết bảo vệ đường cho xe chạy. Những chuyện ấy với tôi chẳng có gì lạ. Nhưng lạ lùng hết sức, chị tôi nói quả quyết Nguyệt vẫn nhớ và đan chờ tôi. Qua mấy năm, có bao nhiêu người hỏi, nhưng cô ta đều trả lời đã trót hẹn với một người rồi. Chị tôi cho biết Nguyệt đang làm ở ngầm, một nơi rất ác liệt, vẫn ở gần chị. Cô ta giờ đã lớn, càng ngoan ngoãn, dũng cảm và lại xinh đẹp hơn trước nữa kia.
CHƯƠNG 2
Thú thật, lần này cầm lá thư của chị Tính, tôi rất sung sướng và cảm động. Và cũng thật kỳ lạ! Qua bấy nhiêu năm sống giữa bom đạn và tàn phá, mà một người con gái vẫn giữ bên lòng hình ảnh một người con trai chưa hề gặp và chưa hứa hẹn một điều gì ư? Trong lòng cô ta, cái sợi chỉ xanh nhỏ bé và óng ánh, qua thời gian và bom đạn, vẫn không phai nhạt, không hề đứt ư? Hạnh phúc người con gái ấy đem đến cho tôi quá nhiều. Cho nên tôi cảm thấy mình như một kẻ chịu ơn. Tôi phải gặp Nguyệt! Tôi quyết định biên thư cho chị tôi, hẹn ngày gặp Nguyệt! Đấy là cái ngày mà tôi đã được đại đội cho phép nghỉ. Sau chuyến xe chở lốp lên kho tiền tiêu, tôi sẽ quay về cánh đồng săng lẻ giấu xe, rồi ghé vào chỗ chị Tính làm việc. ở đó, chị Tính sẽ dẫn tôi xuống đội của Nguyệt. Tôi sẽ ở lại chơi một hôm, với tư cách là… khách qua đường của đội nữ công nhân giao thông bến ngầm. Chiếc Gát lăn bánh rất êm trên đường. Đêm rừng thật vắng vẻ và yên tĩnh. Tôi đặt nhẹ mấy ngón tay trên vòng lái, mắt nhìn phóng về phía trước, và hình dung trước lúc tôi đến giữa đám các cô gái nghịch như quỷ sứ. Gặp tôi, Nguyệt sẽ nói rất ít, còn các cô bạn thì sẽ làm loạn lên. Nhưng chẳng hề gì, họ đều là những người bạn của anh em lái xe, đều là những người con dũng cảm, chân thực và mến khách.
Tôi đi được mươi cây số thì gặp một đoàn xe xích kéo pháo kềnh càng xuôi xuống, đành phải đỗ xe bên đường để tránh. Tôi tranh thủ chui xuống gầm xe, soi đèn pin xem lại chiếc bóng đèn. Tôi đang loay hoay vặn chiếc bóng thì nghe tiếng hỏi bên cạnh:
– Anh đi bóng quả táo hay quả dưa đấy?
– Ai kia?
– Em đây mà!
À, cô gái đi nhờ xe. Trong ánh đèn gầm hắn xuống mặt đường hiện ra ngay trước mũi xe một đôi gót chân bóng hồng, sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chầm chầm mắt cá.
– Ra vẻ cô này không phải người lao động rồi – Tôi nghĩ – Hay là người ta đi thăm chồng hay đi thăm người yêu thực?
Tôi chui từ gầm xe, đưa hai tay dụi mắt:
– Chào cô, lần sau nếu xe dừng, cô đừng nhảy xuống như thế này nhé!
– Nhưng mà ngồi trong ấy mùi cao su khét quá, anh cho em đứng ngoài này thở một tý.
Qua làn ánh đen tù mù của đoàn xe xích lao đi ầm ầm bên cạnh, tôi kịp nhận thấy vẻ xinh đẹp của cô gái, một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ, khác hẳn với nhiều cô gái công trường thường cô nào cũng thấp và đẫy đà. Cô ta mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dày tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng loá khoác ở cánh tay một cách nhẹ nhàng.
Tôi hỏi:
– Cô làm ở ngầm Đá Xanh hay chỉ về đấy thăm ai?
Trên khuôn mặt sáng sủa thoáng một nét e thẹn:
– Em làm ở ngầm…
– À, quên, tôi chưa kịp hỏi tên cô đấy nhé.
– Em là… Nguyệt!
-…À thế…!
Tôi vờ như không, vội đưa mắt ngắm cô gái một lần nữa thật kỹ lưỡng. Rồi, tay mở rộng cánh cửa buồng lái, tôi vồn vã mời:
– Sau ấy mùi cao su khét lắm đấy. Mời cô lên… Bên cạnh còn chỗ ngồi…
Đoàn xe xích kéo pháo 57 mới khoẻ làm sao. Đường sá, núi non cứ rung chuyển ầm ầm. Trái tim tôi cũng muốn nảy lên trong lồng ngực. Cô gái cố ý ngồi sát mé cửa, chiếc làn cói ôm gọn trong lòng, giữa hai chúng tôi để một quãng cách rộng. Thú thật, trong đời lái xe của tôi, chưa bao giờ tôi mời một cô gái lên ngồi trong buồng lái. Đây là một trường hợp đặc biệt. Tôi với tay bật ngọn đèn nhỏ trong buồng lái. Cô gái ngắm “cái nhà” cỏn con của tôi bằng cặp mắt tò mò và hơi rụt rè. Tôi bắt đầu hỏi dò khéo léo:
– Ở đội ngầm của cô, có nhiều cô tên là Nguyệt lắm thì phải?
– Sao anh biết?… Đội em có ba Nguyệt. Nhưng một người đã hy sinh, chỉ còn em và một chị nữa là hai thôi.
– Cô Nguyệt hy sinh bao giờ? – Tôi vội hỏi, rõ ràng nghe tiếng nói của mình mà như của người khác.
– Cách đây đã ba, bốn tháng, trong trận địch ném bom đánh sập hẳn cầu Đá Xanh. Chị ấy chiến đấu dũng cảm lắm, mà ngày thường lại hiền lành, ai cũng tiếc.
– Cô ấy có chồng chưa?
– Chưa. Hình như mới có người yêu.
Tôi nắm vòng lái thật chặt. Mặt đất dưới bánh xe, như đang nghiêng ngả, đảo lộn. Tôi cho xe đi chầm chậm và lại hỏi:
– Còn cô Nguyệt thứ hai?
– Chị ấy đã bốn con rồi! Chúng em thường gọi đùa là chị Nguyệt “lão”. Sao anh hỏi tỉ mỉ vậy?
Tôi thở phào và nói đùa một câu nhạt thếch. Lòng tôi rối như tơ vò. Chẳng lẽ lại đi hỏi thăm cô ta có biết chị Tính hay không? Chỉ cần hỏi thế, mọi sự sẽ vỡ ngay, nhưng tôi vẫn không muốn hoặc không dám hỏi. Tôi không muốn đi sâu vào câu chuyện riêng giữa chuyến công tác. Thế nhưng rồi tôi vẫn cứ phải phân vân: trong hai người con gái, một trẻ và xinh đẹp ngồi bên cạnh, và một người đã chết anh dũng, ai là người đã từng mang canh cánh trong trái tim tuổi trẻ mối tình đầu đối với tôi suốt mấy năm, mà tôi lại tỏ ra hờ hững? Một trong hai người, ai là người tôi sắp tìm đến, ai? Người tôi sắp tìm đến là ai? Câu hỏi ấy cứ xoay trong óc tôi, như một cái dùi nung đỏ bỏng rát. Nếu Nguyệt đã hy sinh thực thì tôi sẽ mang mối hận mãi mãi. Xe đang lao qua quãng dốc. Từng mảng rừng, lèn đá, những bãi gianh ngổn ngang hố bom từ trên cao rơi áp xuống tấm kính buồng lái. Tôi qua đi bỗng như có linh tính, vội đạp phanh cho xe chậm lại. Qua tấm kính trước mặt, hiện ra một ngọn đèn pháo sáng xanh lét run rẩy soi loè nhoè, ở trên đầu.
– Không nghe tiếng máy bay sao lại có pháo sáng hử!
Tôi nghe ngóng và thốt lên. Từ đầu, cô gái ngồi chống khuỷu tay lên thành cửa nhìn ra ngoài. Cô quay vào, nói:
– Không phải đâu. Trăng đó anh ạ.
Trăng thật. Hôm nay đầu tháng. Từ đầu hôm, tôi vẫn đi giữa đêm trăng mà không biết. Cô gái vẫn bình thản ngồi nhìn ra ngoài trời. Tôi quẹt diêm châm một điếu thuốc rồi tăng số cho xe phóng nhanh hơn, trong lòng vẫn không hết gượng. Già đời trong nghế lái xe, bom đạn nguy hiểm gặp đã nhiều, tôi vốn không phải anh nhút nhát, vậy mà không hiểu sao đêm nay nhìn trăn ra pháo sáng! Qua tầm kính ướt hơi sương, mảnh trăng nằm giữa những tầng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng loè nhoè, mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc thấy rơi tõm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già như một trò chơi ú tim. Khoảng gần khuya, trên các chỏm rừng, gió tây nam cuốn mây xám về một góc rồi thổi giạt đi. Gió thổi vào cành lá nguỵ trang trên nóc xe ràn rạt. Trên đầu chúng tôi, khoảng trời đêm trên cao trở nên trong vắt, cao lồng lộng, trong khoảng sâu thẳm nổi lên một tiếng chim mơ hồ. Nhưng ở lưng các cánh rừng, sương trắng không biết từ đâu cứ đùn ra mãi. Dòng sông bên trái đường phút chốc biến mất, chỉ còn là sương trắng phủ kín, thảng hoặc mới thấy một chỏm rừng, một ngọn núi đá bên kia sông nhô lên, đen đủi và cô độc giữa một mầu trắng xoá.
Xe tôi chạy trên lớp sương bềnh bồng. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ, Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trông vào ảo ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường! Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảnh ánh trăng…
– Anh nhỉ? Có phải không nhỉ…
– Cô hỏi gì?
– Em hỏi có phải các anh lái xe đi nhiều nơi, chắc hẳn quen biết nhiều người lắm?
– Đời lái xe chúng tôi như vạc ấy, cô ạ! Nay rừng này, mai qua suối kia, nhưng tháng này sang tháng khác vẫn làm bạn với đường, với trăng thôi.
Chẳng biết lúc ấy ai mới móc miệng cho mà tôi bỗng trở nên ăn nói văn vẻ đến thế! Quá nửa đêm, chúng tôi đến gần cầu Đá Xanh thì trăng lặn. Chúng tôi không nói chuyện nữa. Mảnh trăng đã khuất hẳn xuống khu rừng ở sau lưng. Tôi bật chiếc bóng đèn quả dưa cho sáng hơn và bảo Nguyệt:
– Cô chú ý nghe hộ, từ đây đường thường có máy bay.
guyệt vẫn thản nhiên ngồi nhìn ra ngoài:
– Anh cứ yên tâm, đoạn này, em quen lắm!
Nguyệt hướng dẫn cho tôi đánh xe rẽ sang con đường xế về phía ngầm. Con đường thấp hẳn xuống, quanh co, sục lên một thứ bùn quánh nhão nhoét quanh những hố bom cũ và mới. Tôi dán mắt qua mặt kính, thận trọng lái hai bánh trước tránh hai vệt bánh xe như hai cái rãnh thoát nước ở giữa đường. Có đoạn, bánh trước sục xuống rãnh sâu quá, Nguyệt phải xuống “xi-nhan” cho tôi kéo lên. Có đoạn không nhích lên được. Tôi phải cài số phụ, rồi tăng ga mãi. Không khí trong buồng lái nóng sực. Lốp xe quay tròn, xiết trên đá khét lẹt.
Nguyệt nhìn đoạn đường khó đi, nói như thanh minh:
– Chúng nó ném bom luôn, chúng em đã rải bao nhiêu đá mà đường sá còn ra thế!
Tôi vò chiếc mũ vải trong bàn tay, lau mồ hôi rồi tính đến lúc sắp phải từ biệt Nguyệt:
– Cô sắp xuống rồi chứ? Bao giờ xuống, cô bảo tôi để tôi dừng xe.
Đáng lẽ Nguyệt đã xuống ngang quãng trạm gác bến ngầm ở ngã ba,
nhưng cô muốn đưa tôi đi tiếp sang bên kia sông. Cô cười, nói đùa:
– Anh đã cho em đi nhờ xe, lúc khó khăn lại bỏ anh ư!
Tôi nói rất nghiêm trang:
– Thế nào chúng ta cũng còn gặp nhau! Mà dù cô xuống từ dưới kia, tôi cũng không bao giờ nghĩ cô là một người khi khó khăn thì bỏ người khác.
– Sao vậy, anh?
– Trông cô, tôi biết…
CHƯƠNG 3
Một làn nước hiện ra trước mặt. Đoạn ngầm Đá Xanh ngắn thôi, nhưng mấy hôm trước mưa lũ, nước dâng cao trên mặt đá đến hơn một mét. Vừa đánh xe xuống, đã nghe nước tràn vào ống sả hơi ùng ục. Chiếc xe lắc điên đảo, lúc ngoi lên lúc hụp xuống như một con trâu nước dữ tợn. ánh đèn chiếu sáng mặt nước loang loáng. Ra đến quá nửa ngầm thì nước sâu quá, xe không đi được nữa. Nguyệt đứng bám bên cánh cửa hướng dẫn cho tôi đi đúng giữa hai hàng cọc tiêu. Cô vội nhảy ùm xuống nước, bảo tôi tắt đèn.
– Có máy bay à?
– Để em nghe kỹ xem đã. Anh cứ tắt đèn đi. Loáng đèn dưới nước trông xa lắm đấy!
Đèn tắt. Chưa bao giờ trời tối đến thế, chỉ nghe tiếng nước vỗ ì oạp vào tai xe. Tôi cố tiến, lùi nhưng xe chỉ lắc lư, vòng lái nặng như cối đá. Giữa đêm lạnh mà quần áo tôi ướt đẫm. Nguyệt để cả quần áo thế, nhanh nhẹn lội phăng sang bên kia bờ giúp tôi cột dây tời vào một gốc cây. Tôi xoay sở như đánh vật một lúc, cuối cùng cũng đưa chiếc xe leo lên được tới quãng đường rải đá khấp khểnh. Chúng tôi thở không ra hơi, đang mồ mẫm cuốn dây tời thì máy bay đến. Từ sau rặng núi đá dựng đứng bên trái, bọn chúng ập đến như tiếng sét. Tiếng máy bay ầm ầm. Tôi vứt vòng dây sắt nặng trĩu trên tay, chạy nhào về phía xe. Vừa chạy được hai bước, tôi đã bị Nguyệt túm trở lại, nhanh và khoẻ hết sức. Nguyệt đẩy tôi ngã vào giữa một vật gì rất cứng và sâu. Nghe hơi thở và tiếng nói của Nguyệt rất bình tĩnh: “Chúng đánh toả độ đấy!”.
Một ánh chớp giật mát lạnh, đất rùng lên một hồi. Lặng đi mấy giây, tưởng có thể nghe được tiếng vỗ cánh của một con dế rất nhỏ, bỗng đâu đất, đá và cành cây bé cành cây lớn rơi ầm ầm, rào rào. Tôi vừa kịp nhận ra mình đang đứng giữa một cái khe chỉ vừa một người hai bên là hai gốc cây to. Nguyệt đang nấp ở mé ngoài.
Hai thằng địch khác lại sắp lao xuống, lại sắp một đợt khác! Tôi nắm tay kéo Nguyệt vào khe, nhưng Nguyệt nhất định không chịu.
Nguyệt thét lên:
– Anh bị thương thì xe cũng mất, anh cứ nấp đó!
Không ngần ngại, tôi bế xốc Nguyệt đặt giữa cái khe giữa hai gốc cây rồi chạy về phía xe đỗ. Địch bắn hai mươi ly đỏ lừ, nghe rát cả mặt. Xe tôi vẫn đứng đó, lửa đã bén vào lốp. Tôi dập lửa, trèo lên xe, nổ máy. Nguyệt cũng vừa chạy đến bên cánh cửa.
– Cho xe chạy đi anh, nó còn tiếp tục đánh ngầm đấy!
– Chạy chứ!
Một loạt bom rất gần, hơi bom xô Nguyệt ngã dúi. Tôi kéo Nguyệt vào trong đóng cửa buồng lái rồi chẳng đèn đóm gì hết, cứ theo lời Nguyệt chỉ đường, tôi cho xe phóng. Địch quây tròn trên đầu như xay lúa, rất thấp, thả pháo sáng và bắn hai mươi ly. Mặc, tôi cứ chạy, và Nguyệt cứ nói rành rọt như người đếm bên cạnh:
– Anh ngoặt sang trái… Trước mặt có hố bom đấy… Chuẩn bị, sắp lên một cái dốc có “cua”…
Qua một quãng khó đi và tối quá, Nguyệt nhảy xuống đi dò trước. Tôi cứ nhằm cái bóng trắng nhờ nhờ của Nguyệt trước mặt mà lái theo. Lên quá độ hai kilômét, tôi dừng xe nép vào bên một “ta luy” cao có cây rậm. Tôi bật đèn buồng lái. Cái tôi trông thấy đầu tiên là có vết máu bên vai Nguyệt, vết máu chảy xuống đỏ cả cánh tay áo xanh. Chết thật, cô ta bị thương rồi! Không biết Nguyệt bị thương loạt bom đầu tiên, lúc tôi nấp dưới khe, hay khi cô vùng chạy theo tôi trở về xe? Thú thực, lúc ấy trong lòng tôi dấy lên một tình yêu Nguyệt gần như mê muội lẫn cảm phục.
Nguyệt nhìn vết thương, cười. Khuôn mặt hơi tái nhưng vẫn tươi tỉnh và xinh đẹp. Từ đầu đến chân, cô ta ướt như một con công vừa tắm. Tôi rút chiếc mùi xoa đầy vết dầu mỡ trong túi, buộc ngoài lần áo xanh để cầm máu. Tôi đề nghị đưa Nguyệt sang bên kia ngầm về đơn vị, nhưng Nguyệt gạt đi:
– Đây là giang sơn của em rồi. Anh đi đi, không trời sáng mất! – Rồi Nguyệt lại cười: – Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng, em có thể đi lên đến tận trời được!.
Gà rừng đã eo óc gáy thưa thớt. Tôi không thể bỏ xe được. Tôi đành từ biệt Nguyệt, nắm bàn tay thấm ướt máu rất lâu, và tôi nói một lời hứa đinh ninh: “Ngày mai, tôi quay về, nhất định tôi vào… thăm Nguyệt!”.
Tôi lên xe, phóng như bay về phía tiền tiêu, với một tâm trạng vui sướng và rộn ràng rất lạ, và lại rất lo lắng cho Nguyệt, lúc nào cũng thấy trước mắt bóng một người con gái mặc áo xanh, một bên cánh tay buộc chiếc mùi xoa của tôi, với chiếc làn và chiếc nón trắng mới, cô ta đang đi trở lại về phía ngầm. Có lúc, tôi lại thấy cô quay lạ, khuôn mặt đẹp lộng lẫy đầy ánh trăng…
– Thế nào, kể tiếp đi! Ngày hôm sau sống chết cậu cũng phải mò tới cái đội nữ công nhân ấy chứ?
Những người nghe chuyện vẫn tỉnh như sáo. Có lẽ đã hai ba giờ sáng. Gà rừng gáy eo óc, thưa thớt. Nghe tiếng đôi chim trống mái gọi nhau đã gần hơn.
o O o
Đêm ấy tôi chạy nhanh đến như vậy, nhưng lên đến tiền tiêu giao hàng cho kho xong, thì trời đã gần sáng. Thế là không kịp quay về rừng săng lẻ giấu xe nữa, đành đánh xe đi giấu ngay ở đấy. Và lại hí húi đi kiếm lá nguỵ trang, tháo xăng, nấu cơm ăn.
Thật chán hết sức! Thế là bay đi một ngày phép!
Đại đội trưởng lại bố trí cho tôi đi một chuyến nữa lên tiền tiêu vào ngay đêm sau. Lần này, tôi kịp ghét thăm chỗ hạt giao thông của chị tôi, cũng đóng không xa đội nữ công nhân phụ trách ngầm. Lán đội nữ công nhân giữa khu rừng săng lẻ rất đẹp. Con gái bao giờ họ cũng chu đáo và chăm chỉ chứ không tềnh toàng như chúng mình. Lán họ ở sạch sẽ, ngăn nắp, có nhà ăn, nhà câu lạc bộ…
Thấy tôi đến, chẳng phải chị chị Tính, mà các chị em khác đều niềm nở, toàn là những tay ăn nói khiếp cả. Nhưng còn tôi lòng dạ nào mà đối đáp với họ! Việc đầu tiên là tôi quan sát thần sắc của chị Tính; hai ngày qua tôi đã tin chắc chắn không thể nào sai được rằng người con gái mình đang tìm gặp thì đã gặp, nhưng đến đây, tôi lại nghĩ Nguyệt có thể là người con gái đã anh dũng hy sinh từ cách đây ba, bốn tháng. Chị Tính dẫn tôi vào nhà, và trách:
– Hôm kia, sao cậu không về? Nguyệt nó chỉ tranh thủ lên được có một hôm, đợi cậu suốt ngày không thấy, cô ấy lại phải về dưới ty rồi!
Thế là trống ngực tôi không đánh nữa. Tôi tò mò hỏi:
– Cô ấy về dưới ty làm gì?
– Cô ấy đang dở học lớp đảng viên mới ở dưới đó.
Hai chị em chúng tôi đang dở chuyện thì một chị to béo, trạc gần bốn mươi, hai tay cắp hai cái bì đựng măng xồng xộc đi vào và hỏi:
– Đâu, cậu Lãm, em trai chị Tính tới mà sao không đến trình diện với tôi hử? – Chị túm lấy tôi trong hai bàn tay hộ pháp: – Mặt mũi sáng sủi đấy chứ, lái xe à?Tôi hỏi thế này nhé, anh đã biết tội của anh chưa?
Chị Tính cứ ôm miệng cười. Còn tôi thì chẳng hiểu gì cả. Lát sau, mới biết chị làm tổ trưởng nấu ăn của đội, đấy chính là chị Nguyệt “lão”, một người bạn thân thiết của chị tôi từ lâu.
Chị Nguyệt “lão” vui vẻ “mắng” tôi một hồi nữa, đầy những “cớ sao”, “cớ sao” mấy năm trời để cho “cái Nguyệt” nó đợi đỏ mắt, có muốn “tìm hiểu” người ta hay không thì cũng phải bảo một câu chứ! Rồi chị kể:
– Hôm nọ, “nó” trở lên đây, đi nhờ xe vận tải của một anh bộ đội, xe bị bom dọc đường, may mà chỉ bị thương rất nhẹ thôi.
Chị hỏi: “Anh vẫn chưa biết mặt nó, hử?” rồi kéo tuột tôi đến trước một hàng ảnh nhỏ xít dán chi chít trên tờ giấy bao xi măng giữa nhà câu lạc bộ. Chị Nguyệt “lão” chưa kịp trỏ, tôi đã nhận ra tấm ảnh của Nguyệt. Cách đây mấy năm, trông cô như một con chim non đang tập bay. Nguyệt đang đứng cheo leo giữa lưng núi, trên vai vác một chiếc máy khoan, đôi mắt đen láy ngây thơ nhìn ra xa. Nhìn bức ảnh ấy, tôi không khỏi nhớ những ngày rộn ràng xây dựng những chiếc cầu. Ngọn núi Nguyệt đang đứng chính là một ngọn trong dãy núi đá xanh cao sừng sững nằm bên trái bến ngầm. Ngày khởi công xây dựng chiếc cầu ở đây, đội đá của công trường có hàng trăm cô. Tháng này sang tháng khác, với một sợi dây da bảo hiểm buộc ngang lưng, họ dũng cảm trèo lên những tầng đá cao, chọn
những vỉa đá xanh đẹp nhất về xây cầu. Chiếc cầu làm trong gần hai năm mới xong, xanh biếc và đẹp như một giấc mộng, nhưng vừa khánh thành được mấy tháng thì máy bay Mỹ đã đem bom tới phá sập.
Buổi chiều hôm đó, chị Tính và chị Nguyệt “lão” tiễn tôi ra đến bờ sông. Chị Nguyệt “lão” giơ nắm tay to lớn ra trước mặt tôi:
– Khối anh cán bộ khá hẳn hoi muốn yêu nó. Nó chỉ chờ gặp anh đó thôi! Coi chừng cứ phóng xe chạy biến đi, tôi không có dây tơ hồng nhưng đã có dây trói lợn trói anh lại”!
Tôi vội vàng nhét vào trong chiếc túi cấp dưỡng nhọ nhem của chị một chiếc phong bì miên rất cẩn thận. Suốt buổi trưa, tôi đã mượn giấy bút biên cho Nguyệt lá thư đầu tiên. Ra đến rừng săng lẻ, tôi chưa về chỗ giấu xe vội, mà men bờ sông ra ngoài cầu. Con sông miền Tây in đầy bóng núi xanh thẳm, hai bên bờ cỏ lau chen với hố bom. Chiếc cầu bị cắt làm đôi như một nhát dìu phang rất ngọt. Ba nhịp phía bên này đổ sập xuống, những phiền đá xanh lớn rơn ngổn ngang dưới lòng sông, chỉ còn hai hàng trụ đứng trơ vơ giữa trời. Tôi đứng bên bờ sông giữa cảnh một chiếc cầu đổ và lại tự hỏi: Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn và tàn phá những cái quý giá đó chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào vuộc sống, cái sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể nào tàn phá nổi ư?
o O o
Người kể chuyện tự nhiên ngừng bặt như đang lắng nghe tiếng trả lời đâu từ trong lòng mình. Những người bạn cũng không hỏi, không đòi kể tiếp và nói chuyện ồn ào như những lần trước.
Hẳn đã gần sáng. Ngoài rừng sâu, đôi chim gọi nhau suốt đêm đã im tiếng, có lẽ chúng đã tìm thấy nhau. Chân trời phía rừng Tây bỗng ửng sáng. Rồi trăng đội chỏm cây từ từ nhô lên. Từng chiếc lá đùng đình trên nóc lán loé sáng như những mảnh bạc. ánh trăng khuya lặng lẽ soi đầy trên mái và đoạn đường đầy vết xe trước cửa. Người kể chuyện ngẩng lên ngắm mảnh trăng vừa lên rồi nằm xuống giữa những người bạn lái xe. Anh giục:
– Ngủ thôi các cậu! Mai còn chạy…