Ngày ấy, bếp dầu là một trong những món quà khá sang trọng được người dân tặng nhau trong ngày cưới. Để mua được 1 chiếc bếp dầu trong cửa hàng Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền cũng phải có tiêu chuẩn chứ không phải cứ thích là mua như bây giờ.
Trong các cơ quan, thỉnh thoảng cũng có phân phối mặt hàng này nhưng người lao động phải “gắp thăm” tới vài bận mới được mua.
Bếp dầu là vật dụng quen thuộc gắn với cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội thời bao cấp. Thời đó, bếp thường được tráng men màu xanh ngọc do nhà máy cơ khí Thăng Long sản xuất. Bếp có mấy cỡ khác nhau, người dân hay dùng loại 10 – 12 bấc để nấu ăn.
Để nhóm bếp dầu cũng khá “nhiêu khê”. Các bà, các mẹ thường làm 1 cái que bằng sắt, một đầu quấn ít nùi giẻ sạch dễ cháy. Mỗi khi nhóm bếp, phải vặn cho bấc cao lên khỏi ống chứa bấc, nhúng que nhóm bếp vào dầu hỏa, bật diêm châm lửa vào que nhóm bếp, lần lượt châm vào đủ các ngọn bấc.
Bộ “bấc” khá quan trọng với bếp dầu và cần phải được lau chùi bếp thường xuyên để bấc không bị cặn. Hồi đó, nhà ai cũng trữ sẵn một bộ “bấc” chuẩn để có thể “thay bấc” mỗi khi bộ kia dùng lâu bị muội bám khói đen gọi là “thối bấc”.
Bấc mà bị bám cặn thì mỗi khi tắt bếp, mùi dầu hỏa bốc sực lên trong căn bếp nhỏ, khói um… Khi đun bếp cũng phải cẩn thận, trên bếp dầu có một núm để điều khiển ngọn lửa to, nhỏ theo ý mình. Đôi khi cái núm này bị “chờn” nên mặc dù đã điều chỉnh nhỏ lửa để “xoay cơm” mà lửa vẫn to khiến có phen cơm bị “khê”.
Sở dĩ gọi là bếp dầu bởi bếp đun bằng dầu hỏa. Có bếp mà không có dầu thì cũng không nấu được cơm.
Ngày đó, chất đốt khan hiếm và thường bán theo chế độ tem phiếu. Người mua phải đi xếp hàng mua dầu hỏa từ sáng sớm.
Không biết có ai còn nhớ cái bếp dầu hỏa ngày xưa?